Trong vấn đề tránh có thai ngoài ý muốn thì phái nữ của chúng ta có thể lựa chọn khá nhiều phương pháp khác nhau, nhưng nếu cần một biện pháp có hiệu quả cao và có tác dụng vĩnh viễn mà không ảnh hưởng tới sức khỏe sinh lý thì ta không thể không nhắc tới triệt sản nữ (hay còn gọi là thắt ống dẫn trứng). Vậy thắt ống dẫn trứng là gì? Cách tiến hành ra sao và ta có thể làm ở đâu. Hãy cùng nhau tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!
Thắt ống dẫn trứng là gì?
Là một trong những biện pháp tránh thai đem lại hiệu quả cao, được tiến hành ở nữ giới dựa trên tinh thần tự nguyện. Thắt ống dẫn trứng là thủ thuật ngoại khoa được tiến hành nhằm ngăn cản đường đi của trứng gặp tinh trùng làm không xảy ra quá trình thụ tinh, từ đó ngăn ngừa khả năng có thai.
Đối tượng sử dụng phương pháp này
- Cặp vợ chồng muốn thực hiện kế hoạch hóa gia đình (sinh đủ số con khỏe mạnh và không có nhu cầu sinh đẻ thêm).
- Phụ nữ mắc các bệnh lý về tim mạch (như suy tim), suy thận mạn tính, suy hô hấp và các bệnh lý về cơ quan sinh dục (như u xơ tử cung, sa tử cung…).
- Nên tiến hành ở phụ nữ trên 30 tuổi trở lên gặp một trong hai trường hợp trên hoặc có nhu cầu triệt sản dựa trên tinh thần tự nguyện.
Có thể bạn quan tâm: Thắt ống dẫn tinh ở nam giới là gì? Phương pháp làm như thế nào?
Cách tiến hành phương pháp
Thời điểm thắt ống dẫn trứng
- Đối với phụ nữ không có thai, có chu kỳ kinh nguyệt lý tưởng (từ 28 – 35 ngày) thì thời điểm tốt nhất là từ ngày thứ 5 – ngày thứ 10 của chu kỳ kinh hay còn nói cách khác là sau khi sạch hành kinh từ 3 – 5 ngày và kiêng quan hệ tình dục.
- Nếu thắt ống dẫn trứng ngay sau khi sinh thì tốt nhất là trước khi tử cung trở về bình thường. Đối với phụ nữ mổ lấy thai có sức khỏe tốt thì thời gian để làm việc này chính là sau khi mổ lấy thai. Còn đối với nữ giới sinh thường có sức khỏe cho phép làm thủ thuật thì sau sinh từ 24 – 36 giờ kế đó ta có thể thắt ống dẫn trứng.
- Trường hợp thể trạng của phụ nữ suy kiệt hay mệt mỏi thì ta có thể cho bệnh nhân dời ngày làm thủ thuật vào lúc người bệnh có trạng thái tốt nhất thì tiến hành.
Cách thực hiện:
- Bác sĩ, chuyên gia gặp gỡ và tư vấn về thắt ống dẫn trứng cho cặp đôi vợ chồng để họ hiểu và chắc chắn lựa chọn phương pháp này trên tinh thần tự nguyện vì việc có con sau khi làm là rất khó nếu có mong muốn.
- Tiến hành làm các xét nghiệm tổng quát phục vụ cho việc thắt ống dẫn trứng như khám phụ khoa, làm xét nghiệm máu, nước tiểu, soi cổ tử cung… để loại trừ một số bệnh phụ khoa hay gặp ở nữ giới.
- Cách làm:
- Vệ sinh vùng làm thủ thuật.
- Đặt một đường truyền tĩnh mạch nhằm đưa thuốc vào trong cơ thể và tiến hành gây mê cho bạn.
- Sau đó, bác sĩ dùng dao rạch một đường nhỏ ở bụng (ngay dưới rốn) , đưa ống nội soi và sử dụng dụng cụ vào để thắt vòi trứng.
- Cuối cùng là khâu vết rạch mổ lại và cho bạn về khu vực chăm sóc sau mổ để theo dõi tiếp, đồng thời cho sử dụng thêm thuốc giảm đau, chống viêm và kháng sinh dự phòng. Nếu tình trạng tiến triển tốt thì có thể xuất viện.
Lưu ý
- Một số biến chứng có thể xảy ra sau làm xong thủ thuật như chấn thương các cơ quan xung quanh, đau, vết mổ chảy máu hoặc bị nhiễm khuẩn… vì vậy ta cần chú ý theo dõi người được làm phẫu thuật một cách cẩn thận các dấu hiệu.
- Nên nghỉ ngơi và kiêng quan hệ tình dục sau đó từ 7 – 9 ngày.
- Nên đi kiểm tra lại tình trạng sức khỏe và vùng làm phẫu thuật sau thắt ống dẫn trứng từ 1 – 3 tháng.
- Thắt ống dẫn trứng không có khả năng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, HIV, giang mai…chính vì điều này, bạn nên sử dụng thêm các biện pháp tránh thai có màng chắn khi giao hợp với bạn tình
- Trường hợp không nên thắt ống dẫn trứng:
- Phụ nữ đang mang thai hay nghi ngờ có thai.
- Đang bị viêm nhiễm phụ khoa hoặc một nhiễm khuẩn rộng hay lớn ở trên cơ thể.
Một số câu hỏi thường gặp
Thắt ống dẫn trứng có nguy hiểm không?
- Đây là một thủ thuật ngoại khoa đơn giản và nhanh chóng, không phải gây tê nên không gây nguy hiểm cho bạn. Tuy nhiên, bất kỳ biện pháp xâm lấn vào cơ thể cũng có những tình huống không mong muốn xảy ra và phương pháp này cũng không ngoại lệ, 1/ 1000 phụ nữ áp dụng có thể bị nhiễm trùng hoặc chảy máu vết thương hoặc có thể gặp các tác dụng phụ từ thuốc gây mê như đau đầu, buồn nôn…
Thắt ống dẫn trứng có làm giảm ham muốn tình dục không?
- Thắt ống dẫn trứng có bản chất là ngăn cản trứng gặp được tinh trùng chứ không ảnh hưởng đến nội tiết tố nữ (yếu đố đánh giá sự ham muốn ở nữ giới), thêm vào đó khi bạn thực hiện được phương pháp tránh có thai ngoài ý muốn thì tâm lý của bạn sẽ thoải mái và tự tin nhiều hơn khi làm chuyện đó với bạn tình của mình.
Thắt ống dẫn trứng có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt không?
- Thắt ống dẫn trứng là thủ thuật tác động vào ống dẫn trứng chứ không xâm lấn đến buồng trứng – nơi có chức năng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, cho nên không có ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt của người sử dụng biện pháp tránh thai này.
Chi phí cho thắt ống dẫn trứng có đắt không?
- Tùy vào cơ sở mình lựa chọn để thực hiện thắt ống dẫn trứng và tình trạng sức khỏe của mình cũng như hiện trạng tử cung – phần phụ của bản thân để có những mức giá phù hợp, trung bình một ca có giá dao động từ 4.000.000 – 8.000.000 VNĐ.
Những địa chỉ thắt ống dẫn trứng uy tín và nổi tiếng ở nước ta hiện nay
- Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: số 929 – đường La Thành –Ngọc Khánh –Ba Đình – Tp. Hà Nội.
- Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương: số 43, đường Tràng Thi –Hàng Bông –Hoàn Kiếm – Tp. Hà Nội.
- Khoa Phụ Sản – bệnh viện Trung Ương Huế: số 16 Lê Lợi – Vĩnh Ninh – Tp. Huế.
- Bệnh viện Từ Dũ: số 284 – đường Cống Quỳnh –Phạm Ngũ Lão – Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
- Bệnh viện Hùng Vương: số 128 – đường Hồng Bàng – Phường 12, Quận 5- Tp. Hồ Chí Minh.
- Trung tâm chăm sóc Sức khỏe sinh sản Tp. Hồ Chí Minh: số 957, đường 3/2, phường 7 quận 11, Tp. Hồ Chí Minh
- Bệnh viện Phụ Sản Cần Thơ: số 6 – đường Cách Mạng Tháng Tám – phường Cái Khế – Tp. Ninh Kiều – tỉnh Cần Thơ.