Thai bao nhiêu tuần thì sinh? Như thế nào được gọi là sinh non, sinh muộn… là những câu hỏi, thắc mắc của những phụ nữ mang thai lần đầu mà có thể là sinh lần thứ 2, thứ 3… bởi có nhiều yếu tố tác động đến thời gian sinh nở vì vậy không hẳn lúc nào chuyện sinh nở cũng theo dự kiến của mình. Và để biết rõ hơn chúng ta cùng nhau tham khảo bài viết dưới đây.
Thai bao nhiêu tuần thì sinh?
- Phụ nữ mang thai sinh con vào khoảng tuần thứ 37 – 42 của thai kỳ (chiếm đến 80%), ngoài ra các trường hợp trẻ có thể được sinh ra trước 37 tuần tuổi hoặc sinh sau tuần thứ 40 của thai kỳ.
- Tuần tuổi thai được tính dựa vào chu kỳ kinh cuối cùng, cụ thể là ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng sẽ tính là tuần thứ nhất mang thai trở đi cho đến ngày dự kiến sinh.
- Ngày dự kiến sinh của thai phụ được tính nhờ việc kết hợp giữa xác định đúng ngày kinh cuối cùng và khám thai (khám sức khỏe tổng quát + siêu âm).
- Tương ứng với những điều vừa nói ở trên, ta có:
- Trẻ sơ sinh được cho là đủ tháng khi tuổi thai từ 37 – 42 tuần, trung bình là 40 tuần hay 280 ngày (tính theo ngày đầu của chu kỳ kinh cuối). Đối với lần sinh đẻ đầu tiên (sinh con so) thì đa số đẻ sớm trước dự kiến sinh từ 7 – 10 ngày.
- Trẻ sinh non là trẻ sinh trước 37 tuần, được chia làm 4 mức độ sau:
- Sinh cực non là thai nhỏ hơn 28 tuần tuổi.
- Sinh rất non là từ 28 đến 32 tuần.
- Sinh non vừa được tính từ trên 32 tuần đến 34 tuần tuổi.
- Sinh non muộn là từ 34 tuần đến 36 tuần 6 ngày.
- Sinh sau 42 tuần thì được gọi là trẻ già tháng.
Nên xem: Những điều cẩn chuẩn bị trước khi mang thai người mẹ cần biết
Nguyên nhân gây sinh sớm, sinh muộn
Nguyên nhân gây sinh sớm
Trung bình mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ được sinh non. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến ở trẻ sơ sinh.
- Do mẹ:
- Do điều kiện xã hội thấp (điện, đường, trạm…), chế độ chăm sóc, y tế không đảm bảo.
- Tuổi tác: còn quá trẻ (dưới 16 tuổi) hoặc quá độ tuổi sinh nở lý tưởng (trên 40 tuổi).
- Do cơ thể suy nhược, suy dinh dưỡng.
- Bị tiền sản giật hoặc sản giật, bị nhiễm trùng toàn thân hoặc bất thường về tử cung (u xơ tử cung, hở eo tử cung…)…
- Lạm dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá…
- Mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh về tim mạch…hoặc tự ý sử dụng thuốc trong thời gian mang thai.
- Có tiền sử trước đây bị sẩy thai, hút thai, rau bong non hay rau tiền đạo…
- Do thai nhi: Đa thai, đa ối hoặc vỡ ối non, viêm màng ối, nhiễm trùng bào thai…
- Rau thai: Thiểu năng rau thai, rau bong non, rau tiền đạo…
Nguyên nhân gây sinh muộn:
- Do dự kiến ngày sinh không chính xác vì chu kỳ kinh nguyệt của mẹ không đều, không nhớ ngày kinh cuối hoặc thời gian rụng trứng muộn. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất trong trường hợp này.
- Các nguyên nhân khác có thể gặp như do: Suy thượng thận ở thai nhi; Vô sọ (không kèm theo đa ối); Thiếu Placental sunfatase (Bệnh di truyền theo gen lặn liên kết với nhiễm sắc thể X; Có tiền sử sinh thai già tháng trước đó…
Đối với trẻ được sinh sớm hoặc sinh muộn thì sự phát triển chậm hơn về thể chất, trí tuệ cũng như sức đề kháng kém và nguy cơ mắc phải các bệnh lý hoặc dị tật bẩm sinh, thậm chí đối mặt với tỉ lệ tử vong cao hơn so với những trẻ được sinh ra đủ tháng khỏe mạnh.
Vì vậy ta cần khám sức khỏe trước và trong khi mang thai, có chế độ dinh dưỡng, vận động, chăm sóc và theo dõi hợp lý để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, nhất là vào thời điểm chúng ta trông chờ nhất – chính là chào đón thiên thần ra đời dù là bé sinh thiếu tháng, đủ tháng hay thừa tháng. Vậy những tín hiệu cho ta biết giai đoạn chuyển dạ đó là:
Các dấu hiệu chuyển dạ và những điều cần lưu ý
Dấu hiệu chuyển dạ bạn nên biết
- Bụng to và tụt xuống thấp: vào cuối thai kỳ, thai nhi dịch chuyển và tụt xuống khung chậu. Điều này gây chèn ép lên bàng quang khiến bạn có cảm giác muốn đi tiểu nhiều hơn.
- Ngừng tăng cân: cân nặng của thai phụ sẽ có xu hướng chững lại hoặc sút đi vài kg vào những giai đoạn cuối của thai kỳ.
- Cảm thấy mệt và uể oải: do bụng to hơn, chèn ép các cơ quan khác khiến mẹ bầu có cảm giác mệt mỏi hơn và muốn nghỉ ngơi nhiều trong thời điểm này.
- Bị giãn khớp, đau lưng và chuột rút nhiều hơn: Các cơ khớp vùng chậu và tử cung bị kéo căng ra, nhất là trong lần sinh đẻ đầu thì bạn sẽ cảm thấy đau nhức phần lưng và hai bên háng hoặc bị chuột rút nhiều hơn.
- Tiêu chảy: cùng với việc nghỉ ngơi của cả cơ thể thì các cơ ở trực tràng cũng thư giãn theo khiến cho mẹ bầu đi đại tiện lỏng và nhiều lần hơn trước.
- Dịch nhầy cổ tử cung thay đổi: vào trước những ngày chuyển dạ bạn sẽ thấy âm đạo tăng tiết nhiều dịch hơn, dịch lỏng và dính nhớt hơn, có màu trong suốt, sẫm màu hay màu hồng hoặc lẫn ít máu.
- Các cơ co thắt tử cung: vài ngày đến vài tuần trước khi sinh bạn có thể cảm nhận được các cơn co, tuy nhiên cần phân biệt với các cơn co sinh lý (các cơ co thắt không đều và thưa). Ngược lại, các cơn co thắt chuyển dạ thực sự sẽ mạnh, đều đặn liên tục và đau khiến bạn khó chịu.
- Cổ tử cung mở: điều này bạn có thể dễ dàng nhận thấy trong vài ngày hoặc một tuần trước khi chuyển dạ cổ tử cung của bạn sẽ bắc đầu mở, giãn rộng ra và mỏng hơn. Khi này bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra độ mở tử cung vì trung bình tử cung mở được 10 cm, đồng nghĩa với việc bạn chuẩn bị chuyển dạ.
- Vỡ ối: Bình thường nước ối có màu trong suốt hay vàng nhạt và tùy vào cơ địa mỗi người mà lượng ối chảy nhiều hay ít, có thành dòng hay không. Việc túi ối vỡ nghĩa là bạn sắp sinh, do đó bạn cần chú ý đến thời gian vỡ ối cũng như đặc điểm của nước ối và nên đến bệnh viện luôn.
Những tín hiệu bạn cần lưu ý trong chuyển dạ
Đối với các trường hợp dưới đây, việc theo dõi và được đưa đến ngay cơ sở y tế chuyên về sinh sản gần nhất để được xử trí sớm.
- Ra ối: lượng ối vỡ ra nhiều một cách ồ ạt hoặc rỉ ối liên tục kèm theo mùi tanh nồng…đặc biệt là tình trạng rỉ ối, vỡ ối trước tuần thai thứ 37 sẽ dẫn đến khả năng sinh non rất cao.
- Ra máu âm đạo: vào giai đoạn cuối của thai kỳ, chất nhầy cổ tử cung được tăng tiết nhiều hơn có thể kèm theo một chút máu thì không có lo lắng. Tuy nhiên, nếu lượng máu ra nhiều thì bạn cần đưa bà bầu đến cơ sở y tế luôn vì đây có thể dấu hiệu bất thường liên quan đến rau thai hoặc chyển dạ sớm.
- Đau bất thường phía bụng dưới và vùng khung chậu, xuất hiện các cơn co mạnh và liên tục theo chu kỳ và không giảm đi sau nghỉ ngơi, nhất là các tuần tuổi thai dưới 37 tuần.
- Thai ít cử động hơn so với bình thường hoặc không cử động.
- Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý đến các diễn biến đột ngột khác ở phụ nữ mang thai như khó thở, đau tức ngực, đầu ti, nôn mửa, đau đầu dữ dội hoặc ngất xỉu…
Một số câu hỏi thường gặp
1. Chuẩn bị sinh con lần đầu thường đến khi chuyển dạ chuẩn bị những gì?
- Việc đầu tiên là bạn cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, tiếp đó là khám sức khỏe cho cả hai vợ chồng trước khi chuẩn bị mang thai, chế độ dinh dưỡng và tập luyện, chuẩn bị về tài chính sẵn sàng vì việc sinh đẻ và nuôi dưỡng cần tiêu tốn khá nhiều và việc bạn chuẩn bị trước tức là bạn đã sắp xếp để có các lựa chọn hợp lý như nơi khám và sinh sản.
- Trong thời kỳ mang thai, tiếp tục cập nhật các kiến thức liên quan và theo dõi mẹ và thai nhi nhờ đi khám thai, siêu âm và làm các xét nghiệm cần thiết, tiêm phòng uốn ván, đặc biệt để ý các dấu hiệu bất thường trong quá trình mang thai cũng như những dấu hiệu chuyển dạ để kịp thời xử trí.
- Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị thêm không gian cho bé, người giúp đỡ chăm sóc có kinh nghiệm vào khoảng cuối chu kỳ thai và sau sinh trong một hai tháng đầu.
Nên xem: Lịch tiêm dành cho bà bầu không thể bỏ qua
2. Có thể đăng kí sinh con ở đâu?
Bạn có thể đăng ký khám thai và sinh nở tại các cơ sở y tế có khoa sản hay bệnh viện sản như tại:
- Khoa sản các trung tâm y tế, bệnh viện huyện (quận).
- Khoa sản bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện sản tỉnh.
- Khoa sản của các bệnh viện tuyến trung ương (như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện sản trung ương, bệnh viện Từ Dũ…)
- Các khoa sản của các bệnh viện tư nhân có uy tín như bệnh viện quốc tế Vinmec, bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc…
Hoặc để đơn giản và thuận tiện hơn cho bạn thì bạn có thể đăng kí trọn gói khám và sinh sản tại một bệnh viện với chi phí phù hợp với khả năng của mình.
3. Trẻ sinh đủ tháng thì có đặc điểm như thế nào?
- Là trẻ sinh đủ tháng (37 – 42 tuần tuổi),
- Trọng lượng khi sinh ra trên 2500 gram.
- Chiều dài đầu chân từ 50cm trở lên.
- Vòng đầu: 34 – 35cm. Vòng ngực từ 33 – 34cm.
- Chi trên và chi dưới gần như bằng nhau.
- Thóp trước 2.5 – 3cm, thóp sau thường kín trong tháng đầu.
- Tóc mềm dài hơn 02cm, móng chi dài trùm các ngón.
- Núm vú nổi lên khoảng 02mm, có vòng sắc tố vú khoảng 02mm.
- Điểm Apgar 8 – 10 điểm ngay trong những phút đầu: da hồng hào, mềm mại, ít lông tơ, lớp mỡ dưới da đã phát triển; thở đều 40 – 50 lần/ phút; nhịp tim > 100 lần/phút; trẻ khóc to, bú khỏe, có các phản xạ bẩm sinh như Moro, Robinson; có các cử động gấp chống lại khi có tác động làm duỗi chi, khi nằm các chi trong tư thế gấp.
Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn giải đáp được phần nào những thắc mắc của bạn về vấn đề mang thai. Bạn có thể tham khảo các bài viết khác của trang Sức khỏe giới tính để được cung cấp đầy đủ thông tin hơn về sức khỏe sinh sản giới tính nhé! Chúc các bạn thành công.