Vận dụng cách tính ngày quan hệ an toàn là biện pháp ngừa thai tự nhiên thường được nữ giới sử dụng thay vì việc dùng các phương thức ngừa thai khác như dùng bao cao su hoặc các biện pháp tránh thai chứa nội tiết tố khác… Vậy ngày an toàn được tính như thế nào? Ưu, nhược điểm của phương pháp này ra sao? Chúng ta cùng khám phá nào!
Ngày an toàn là gì?
Ngày an toàn chính là những thời điểm được xác định chính xác trong một chu kỳ kinh nguyệt đang diễn ra, có tỉ lệ ngừa thai hiệu quả nhất (trứng không gặp được tinh trùng) nhằm tránh khả năng mang thai ngoài ý muốn ở bạn khi xảy ra quan hệ tình dục với bạn tình của mình.
Tính được ngày an toàn có lợi ích gì?
- Là biện pháp không sử dụng hormone giúp hạn chế tác dụng phụ của các biện pháp trên gây ra cho người sử dụng và cả trẻ nhỏ (đối với những phụ nữ đang cho con bú muốn tránh thai mà sử dụng các loại thuốc tăng bài tiết vào sữa)
- Ngoài ra, đây còn là một hình thức thuận lợi cho việc thụ thai nếu bạn có nhu cầu vì đã xác định chính xác ngày an toàn cũng đồng thời khoanh vùng những giai đoạn dễ thụ thai nhất cho bạn.
Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi sự quan sát và theo dõi tỉ mỉ, liên tục những dấu hiệu, diễn biến của chu kỳ kinh nguyệt cùng với một lối sống lành mạnh, tránh các yếu tố ngoại cảnh từ người sử dụng. Bên cạnh đó, phương pháp này không có tác dụng trong việc phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, lậu, giang mai…
Ngày an toàn được tính như thế nào?
-
Dựa vào thân nhiệt
- Thân nhiệt cơ bản ở một người trưởng thành khỏe mạnh bình thường dao động từ 35.5 – 370 C , có rất nhiều yếu tố làm thay đổi nhiệt độ của cơ thể như bạn bị sốt, viêm nhiễm, căng thẳng, hoạt động nhiều, dùng thuốc hoặc nồng độ nội tiết tố trong cơ thể bạn thay đổi.
- Ở nữ giới, để tính ngày an toàn thì ta cần theo dõi nhiệt độ cơ thể của mỗi ngày để tính ngày trứng rụng (lượng hormone sinh dục nữ thay đổi đột ngột) thân nhiệt tăng thêm từ 0.5 – 10C và có thể tăng cho đến khi bắt đầu một chu kỳ kinh nguyệt mới, bạn cũng cần chú ý phân biệt với tăng nhiệt độ do các nguyên nhân khác như đã nói ở trên.
-
Dựa vào chất nhầy cổ tử cung
- Ta cần quan sát, đánh giá số lượng, màu sắc, tính chất của dịch cổ tử cung từ ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt (ngày ra máu đầu tiên) đến ngày trứng rụng của chu kỳ kinh tiếp theo.
- Dịch nhầy cổ tử cung được tiết nhiều hay ít là do sự chi phối của hormone sinh dục nữ – estrogen, sự thay đổi về dịch nhầy rõ nét nhất chính là ngay trước và trong quá trình rụng trứng:
- Giai đoạn sắp rụng trứng: lượng dịch nhầy sẽ tăng lên và loãng hơn, có thể có màu trắng kem.
- Trong thời kỳ trứng rụng: số lượng dịch nhầy cổ tử cung nhiều nhất, tính chất tương tự lòng trắng trứng, có độ dính và độ đàn hồi cao hơn.
- Sau khi rụng trứng: dịch nhầy cũng theo đó giảm dần, đôi khi ta có thể cảm nhận được sự khô ráo ở âm đạo trong thời gian này, sau đó sẽ đặc dần lại, hơi dính, có màu vàng hay sẫm.
Xem thêm: Thuốc tránh thai và những điều bạn chưa biết?
-
Phương pháp Sympto – Thermal (Theo dõi thân nhiệt và các triệu chứng)
- Được cho là phương pháp hiệu quả nhất do nó là sự kết hợp của việc theo dõi nhiệt độ cơ thể, chất nhầy cổ tử cung, diễn biến của chu kỳ kinh cùng các dấu hiệu xuất hiện khác như căng tức bầu vú, đau bụng dưới, thăm khám thấy cổ tử cung mềm và rộng hơn. Ngoài ra nhu cầu tình dục có xu hướng tăng và mùi cơ thể càng rõ nét hơn vào những ngày sắp và trong khi rụng trứng.
-
Dựa vào bảng lịch
- Là cuốn theo dõi các ngày, các chu kỳ kinh nguyệt của bạn ít nhất 06 tháng, sau đó áp dụng công thức tính ngày rụng trứng để dự đoán giai đoạn nguy hiểm, ngày an toàn.
- Những phụ nữ có kinh nguyệt đều (chu kỳ kinh nguyệt lí tưởng từ 28 – 32 ngày) sẽ dễ theo dõi và xác định ngày an toàn chuẩn xác hơn chu kỳ kinh nguyệt không ổn định.
- Trước và sau khi rụng trứng là những ngày an toàn (an toàn tuyệt đối hoặc tương đối) và khoảng từ 5 – 7 ngày giữa chu kỳ kinh chính là thời điểm dễ thụ thai, tức là những ngày nguy hiểm nên tránh là khoảng từ ngày thứ 8 – ngày thứ 19 của chu kì kinh.
Một số câu hỏi thường gặp
-
Chu kỳ kinh nguyệt được tính như thế nào?
- Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên ra máu âm đạo (hành kinh) đến ngày đầu của chu kỳ kinh tiếp theo.
- Để theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình thì bạn cần bắt đầu thực hiện từ ngày đầu của một chu kỳ ( đánh dấu ngày đầu ra hành kinh) cho đến khi kết thúc chu kỳ. Quá trình này lặp đi lặp lại ít nhất khoảng 6 tháng thì bạn sẽ tính được trung bình một chu kỳ kinh của bạn là bao nhiêu ngày.
- Một chu kỳ kinh lý tưởng là khoảng 28 ngày, nếu dưới 25 ngày thì được gọi là chu kỳ kinh ngắn, nếu trên 35 ngày thì được gọi là kinh thưa. Ngoài việc xác định được chu kỳ kinh thì bạn còn đánh giá tình trạng sức khỏe của bản thân thông qua màu sắc, tính chất và số lượng máu kinh.
-
Quan hệ vào ngày đèn đỏ có thai hay không?
- Điều này vẫn có thể xảy ra do chu kì kinh nguyệt của mỗi người dài ngắn khác nhau, nhất là những người có vòng kinh không đều thì khả năng mang thai càng cao hơn.
- Tuy nhiên, vào những ngày đèn đỏ bạn được khuyến cáo không nên giao hợp cùng bạn tình nhằm hạn chế tối đa nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa hoặc lây nhiễm các bệnh xã hội.
Việc xác định ngày an toàn không chỉ giúp bạn tránh thai ngoài ý muốn mà còn giúp bạn kiểm soát được sức khỏe tổng quát cũng như sức khỏe sinh sản của bản thân và kiểm soát được thời điểm bạn dễ thụ thai. Thông qua bài viết trên hi vọng sẽ gợi mở được phần nào thắc mắc của bạn về chu kì kinh nguyệt.