Nhiều người nói đau nhũ hoa là một trong những dấu hiệu thông báo phụ nữ có thai. Vậy liệu rằng điều này có đúng thật như thế, chúng ta hãy cùng nhau đi tìm câu trả lời nhé!
Đau nhũ hoa là như thế nào?
- Nhũ hoa hay còn được gọi là núm vú là một bộ phận nhạy cảm trên cơ thể nữ giới. Đau nhũ hoa chính là khi các chị em cảm thấy bầu vú và nhũ hoa đau, nhức, ửng đỏ, sưng tấy hoặc bỏng rát. Tình trạng có thể diễn ra thường xuyên hay thi thoảng tùy vào cơ thể mỗi người với các mức độ đau khác nhau.
Đau nhũ hoa khi mang thai nguyên nhân do đâu?
- Do sự mất cân bằng hormone trong cơ thể: khi mang thai nồng độ hormone sinh dục nữ, cụ thể là lượng estrogen và lượng progesterone tăng cao sẽ làm quá trình lưu thông máu tới vùng ngực nhiều hơn và thay đổi các mô tuyến vú từ đó gây ra những ảnh hưởng không chỉ tới kích thước, sự nhạy cảm bầu ngực mà còn gây đau nhũ hoa.
- Bên cạnh đó, đau núm vú còn có thể do những nguyên nhân khác như: tuyến vú có u, nang hoặc bị chấn thương vùng ngực hoặc từ tác dụng phụ khi sử dụng thuốc tránh thai hay thuốc điều trị tim mạch…
Có thể bạn chưa biết: Sách thai giáo là gì? Lợi ích của những cuốn sách thai giáo
Phụ nữ có thai thường đau nhũ hoa vào thời điểm nào của thai kỳ?
- Đa phần các chị em phụ nữ đều cảm thấy đau đầu nhũ hoa khi thai nhi được khoảng 4 tuần tuổi trở đi, quầng vú đậm màu dần, phần ngực lúc này cũng phát triển to dần để thích nghi với quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, triệu chứng này thường sẽ biến mất khi trảu qua 03 tháng đầu của thai kì.
Những biểu hiện bất thường khi đau nhũ hoa
Đau núm vú là một trong những dấu hiệu giúp nhận biết ta đang mang thai và được coi như một hiện tượng sinh lý bình thường không nguy hại tới sức khỏe của nữ giới. Tuy nhiên, nếu kèm theo các bất thường dưới đây thì việc thăm khám sớm là rất cần thiết đối với bạn để loại trừ các bệnh lý liên quan tới tim mạch, hô hấp hay ung thư…
- Đau một bên ngực và kèm theo sốt kéo dài, tình trạng đau nhũ hoa không biến mất mà vẫn còn kéo dài qua cả tam nguyệt cá đầu tiên.
- Từ nhũ hoa đau lan ra toàn ngực, có thể đau lan xuống hai cánh tay và sau vai.
- Đau núm vú kèm theo ho (có thể ho khan, ho có đờm, ho ra máu…), khó thở hoặc chóng mặt, vã mồ hôi…
Biện pháp cải thiện tình trạng đau núm vú
-
Chọn áo ngực phù hợp
- Nhũ hoa nói riêng và bầu vú nói chung sẽ càng khó chịu, đau hơn khi phải mặc áo ngực sai kích cỡ. Chiếc áo ngực vừa size, không có đường viền may lộ rõ, có phần dây lưng và dây vai điều chỉnh dễ dàng và to bản có khả năng nâng đỡ tốt phần lưng và hai bên cùng với dây áo có đệm, chất liệu áo ngực làm bằng cotton thấm hút mồ hôi sẽ là một gợi ý hay dành cho bạn, thí dụ như dạng áo ngực thể thao.
- Vào ban đêm bạn có thể không sử dụng hoặc sử dụng loại áo ngực mỏng và nhẹ dành riêng cho việc nghỉ ngơi sẽ giúp bạn thoải mái và thư giãn tận hưởng giấc ngủ ngon.
-
Sử dụng miếng lót ngực
- Bạn nên sử dụng miếng lót ngực (có thể được đệm nhiều hoặc dệt từ tre) để bảo vệ núm vú khỏi các sự đụng chạm, cọ xát không cần thiết. Bên cạnh đó miếng lót còn giúp thấm hút, ngăn không cho sữa mẹ rò rỉ ra áo ngoài.
- Đặt miếng lót vào trong áo ngực đúng kích cỡ giúp cố định miếng lót tốt hơn và có thể bao bọc được hết nhũ hoa. Thêm một chú ý nữa, bạn hãy thay một miếng lót ngực mới thay cho miếng cũ bị ướt hoặc đã sử dụng lau trogn ngày.
-
Vệ sinh
- Các chị em cần thường xuyên tắm rửa và vệ sinh đúng cách bầu ngực khi mang thai mỗi ngày
- Nên sử dụng nước ấm để vệ sinh bầu vú và núm hoa, loại bỏ các chất dịch tiết khô và bám quanh đầu ti.
- Tránh sử dụng xà bông, sản phẩm chăm sóc da chứa cồn hay chất có tính sát khuẩn mạnh, nhất là khi da bị ửng đỏ, ngứa hay khô da.
- Sau khi vệ sinh xong, bạn lấy khăn mềm lau khô tiếp đó bôi kem dưỡng ẩm phù hợp giúp cho phần bầu ngực được dễ chịu hơn, hạn chế sự ma sát và kích ứng. Các loại kem dưỡng ẩm bạn có thể tham khảo có chứa thành phần từ thiên nhiên như sáp long cừu, sữa, gạo, hoa cúc…
-
Uống nhiều nước
- Khi thiếu nước, cơ thể sẽ có xu hướng giữ lại nhiều nước hơn dẫn đến hiện tượng sưng và khiến núm vú trở nên đau nhức, bên cạnh đó thiếu nước khiến da khô ráp, nhăn nheo, khối lượng tuần hoàn máu đến tuyến vú hai bên cũng giảm đi. Do đó việc bổ sung thêm nước và điện giải là điều cần thiết mà bạn nên làm, lượng nước nên dùng dao động từ 1.5 – 2.5l/ngày, tránh sử dụng các loại đồ uống có cồn và chứa caffeine.
-
Chườm
- Để giảm tình trạng nóng rát hay kích ứng bạn có thể chuẩn bị một túi đá, sau đó hãy chọn cho mình tư thế để chườm thoải mái nhất, chườm khoảng từ 7- 10 phút một bên.
- Một mẹo nhỏ khác để giảm đau núm vú khi mang thai là áp dụng phương thức chườm lạnh. Đầu tiên, bạn hãy nằm xuống và đặt một chiếc khăn lên ngực, sau đó đắp một túi nước đá lớn hoặc một túi gel lạnh mềm mại lên trên. Bên cạnh đó, tránh chườm trong hơn 20 phút và ngừng lại nếu có cảm giác da bị kích ứng hay nóng rát.
Ngoài ra, việc thăm khám tình trạng sức khỏe của mẹ và bé theo đúng lịch hoặc khi có dấu hiệu bất thường về núm vú tại các cơ sở y tế sẽ giúp bạn xác định được nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng cũng như hướng xử trí khi gặp vấn đề đang xảy ra, nhất là tuyến vú.
Một số câu hỏi liên quan
Nhũ hoa thâm đen do đâu?
- Khi mang thai, nội tiết tố ở nữ giới thay đổi đột ngột kéo theo đó là sự gia tăng không hề nhỏ lượng hắc sắc tố (melanin) khiến cho nhũ hoa có biểu hiện thâm đen ngay từ những ngày đầu của thai kỳ. Đây cũng là sự lí giải cho việc xạm da ở bà bầu, nhất là vào những tuổi thai cuối.
- Nhưng bạn cũng đừng vội lo lắng khi mà nhũ hoa có xu hướng hồng trở lại sau khi sinh và cho con bú, tuy nhiên màu sắc tươi tắn cũng như hình dáng bầu ngực sẽ không được như trước khi mang thai. Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện nhờ các nguyên liệu tại nhà như chanh, mật ong… hoặc phương pháp laser kết hợp với tinh chất I – peel…
Gần ngày sinh nhũ hoa tiết dịch màu trắng có bị sao không?
- Đây được cho là hiện tượng bình thường, việc tiết sữa non đặc dính, có màu hơi ngả vàng thường xuất hiện từ tháng thứ 6 của thai kì và tăng tiết vào các tháng sau đó. Bạn cần chú ý vệ sinh, sử dụng miếng lót ngực để thấm sữa non được tiết ra, thêm một nhắc nhở nhỏ cho bạn là trong khoảng thời gian này bạn cũng tránh những tác động mạnh vào ngực hay đầu ti vì việc xoa bóp, vân vê đầu ti không đúng cách sẽ tạo ra những cơn gò tử cung dẫn đến việc sinh non.
- Nếu sữa non được tiết quá sớm (trước tháng thứ 5) hoặc có lẫn máu và nhũ hoa đau tức thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Tụt núm vú ở phụ nữ mang thai có nguy hiểm không?
- Tụt núm vú khiến cho trẻ khó khăn trong việc bú sữa và làm giảm tính thẩm mĩ trên cơ thể, tuy nhiên bạn có thể yên tâm bởi đa số các trường hợp tụt núm vú đều không ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Để khắc phục tình trạng này khi đang mang thai, bạn có thể thực hiện biện pháp cơ học đơn giản tại nhà như sau:
- Đặt ngón tay cái của hai bàn tay vào hai bên của gốc núm vú của bên vú phải, sau đó nhấn mạnh và tách 2 ngón tay xa khỏi gốc núm vú một cách nhẹ nhàng. Làm tương tự với bên trái, thực hiện một ngày hai lần, mỗi lần 5 phút/ một bên.
- Chú ý: không vê đầu ti liên tục nhằm tránh tạo ra cơn co tử cung dẫn đến đẻ non, bạn cần thực hiện theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
Mọc lông quanh núm vú có bị làm sao không?
- Nếu bạn có một vài sợi lông xung quanh núm vú thì đó được coi là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, nếu lông mọc nhiều và mọc cả ở vùng ngực thì bạn nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế vì đây có thể là dấu hiệu của sự mất cân bằng hormone sinh dục.
- Ngoài ra, bạn cũng cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và có hướng xử trí kịp thời nếu núm vú có tình trạng đau nhức kèm sốt kéo dài hoặc sờ thấy có u cục ở bầu vú hay dịch tiế từ nhũ hoa có màu sắc bất thường như xám, đỏ…