Trong ngừa thai hay kiểm soát sinh sản thì các biện pháp tránh thai luôn là vấn đề được nhắc đến. Sử dụng các thiết bị y tế chuyên biệt, thực hiện các thủ thuật, sử dụng thuốc, hóa chất hay thay đổi chế độ sinh hoạt tình dục nhằm mục đích tránh mang thai ngoài ý muốn trong khi quan hệ tình dục, trong đó có phương pháp cấy que tránh thai. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về phương thức này thông qua bài viết dưới đây nhé!
Cấy que tránh thai là gì?
- Là biện pháp tránh thai được nhiều chị em trên toàn thế giới tin dùng khi có nhu cầu tránh thai mà không muốn hoặc không sử dụng được biện pháp tránh thai khác. Được thiết kế thành từng đoạn ống nhựa dẻo nhỏ, mảnh như que diêm và được cấy vào da trên cơ thể của nữ giới.
Cơ chế tác dụng
Những que tránh thai được cấy vào da này đều có chứa progestine – nội tiết tố tạo nên tác dụng ngừa có thai ngoài ý muốn nhờ khả năng:
- Cản trở quá trình rụng trứng.
- Hạn chế khả năng di chuyển của tinh trùng đi vào buồng tử cung gặp trứng do làm tăng độ đặc của chất nhầy âm đạo.
Thực hiện cấy que tránh thai
- Bác sĩ tư vấn và đưa ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe và việc cấy que tránh thai cho người sử dụng.
- Tiến hành: bác sĩ gây tê tại vùng làm thủ thuật cho người dùng (thường là mặt trong cánh tay không thuận), sau khi thuốc tê có tác dụng thì bác sĩ sẽ cấy que tránh thai ở vùng dưới da cánh tay bằng dụng cụ hỗ trợ cấy vô trùng. Khi cấy xong ta sẽ quấn băng tại chỗ cấy 24 giờ.
- Que cấy tránh thai thường có tác dụng ngay lập tức (nếu cấy que trong vòng 5 ngày đầu của chu kỳ kinh). Có tác dụng sau 7 ngày (cấy que tránh thai vào những ngày khác trong chu kỳ kinh nguyệt), đối với trường hợp này cần kết hợp thêm biện pháp tránh thai màng chắn khác như bao cao su, màng phim nếu có quan hệ tình dục xảy ra.
Công dụng của việc cấy que tránh thai
- Que tránh thai được cấy đúng cách thì sẽ có tác dụng chỉ sau 24 giờ được cấy vào da, có hiệu quả lên đến 99% và kéo dài từ 3 – 7 năm (tùy vào loại que và cơ thể người dùng).
- Chính điều này cũng tạo thuận lợi cho chúng ta không phải nhớ giờ uống thuốc, sử dụng hàng ngày, hàng tháng và sẽ là biện pháp hữu hiệu cho phụ nữ đang cho con bú, các bệnh không sử dụng được phương pháp tránh thai chứa estrogen.
- Được cấy dưới da vùng cánh tay kín đáo, khó phát hiện ra.
- Thủ thuật làm nhanh và an toàn, tránh được các trường hợp khi sử dụng vòng tránh thai như nguy cơ nhiễm khuẩn vùng kín, vòng tụt thấp, lệch trục so với vị trí có thể làm tăng nguy cơ có thai ngoài ý muốn…
- Ngoài ra, có thể làm giảm đau bụng dưới do có kinh và lượng máu ra cũng ít hơn trong chu kỳ kinh.
Mỗi một phương pháp đều có tính hai mặt của nó, bên cạnh những hiệu quả mà phương pháp cấy que tránh thai mang lại thì những điều không mong muốn tuy hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra đó là:
Tác dụng không mong muốn
- Một số biểu hiện có thể thấy sau cấy như nhức đầu, thay đổi tính khí, nổi mụn trứng cá, tăng cân, căng vú, ra kinh ít hơn…
- Không có công dụng trong ngăn ngừa lây các bệnh truyền nhiễm như HIV, lậu, giang mai…
- Cần có sự can thiệp thủ thuật bằng các dụng cụ từ bác sĩ.
- Bị dị ứng hoặc nhiễm trùng tại nơi que cấy.
- Tụ máu dưới da vùng cấy que thử thai.
- Que cấy dịch chuyển khỏi vị trí làm giảm tác dụng tránh thai.
Khi gặp các vấn đề này chúng ta cần giữ bình tĩnh và đi thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa về lĩnh vực sản – phụ khoa để được các bác sĩ tư vấn và điều trị (nếu cần).
Các trường hợp không nên cấy que tránh thai
- Phụ nữ đang nghi ngờ có thai hoặc đang mang thai.
- Phụ nữ mới sinh con dưới 6 tuần.
- Không sử dụng cho nữ giới mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp cao, bệnh lý về gan (như rối loạn chức năng gan, xơ gan) hoặc các bệnh liên quan đến nội tiết trong cơ thể.
- Có tiền sử hoặc đang bị ung thư vú.
- Đang sử dụng thuốc như rifamicin (điều trị lao), nhóm bacbiturat (điều trị chứng động kinh)…
- Đã từng hoặc đang chảy máu âm đạo bất thường, không rõ nguyên nhân.
Nên xem: Ngày an toàn là gì? Cách tính ngày an toàn để tránh thai hiệu quả
Một số câu hỏi thường gặp
Những loại que cấy nào đang được sử dụng nhiều hiện nay?
- Implanon – dạng 01 que, là một trong những que tránh thai đang được ưa chuộng nhất hiện nay với tác dụng tránh thai lên tới 3 năm.
- Jadelle và Sinoplant – 2 que, có tác dụng ngừa thai trong vòng 05 năm.
- Norplant – 6 que có tác dụng tránh có thai ngoài ý muốn từ 5 -7 năm.
Chi phí cho việc cấy que tránh thai có cao không?
- Chi phí cho việc cấy que tránh thai thường cao hơn so với một số biện pháp khác. Tuy nhiên nhờ những ưu điểm của mình mà cấy que tránh thai vẫn được ưa chuông. Trung bình chi phí cho một ca này khoảng từ 2.000.000 – 5.000.000 VNĐ/3 năm.
Muốn có con trở lại thì làm cách nào?
- Nếu bạn có ý định có con trở lại thì bạn chỉ cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra và tháo que tránh thai. Sau khi tháo que tránh thai khoảng 01 tháng thì kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường và có khả năng thụ thai của bạn lại trở về.
Việc tháo que tránh thai có lâu không và làm như thế nào?
- Thực hiện thủ thuật tháo que cấy tránh thai chỉ mất của bạn khoảng vài phút.
- Bác sĩ sẽ gây tê ngay dưới que cấy. Khi thuốc tê bắt đầu có tác dụng thì bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ trên da và phần cuối của que cấy để đẩy que ra ngoài. Cuối cùng là băng bó nơi vừa làm thủ thuật bằng băng gạc.
Có thể cấy que tránh thai ở đâu?
Bạn có thể lựa chọn các cơ sở y tế chuyên ngành sản – phụ khoa để được tư vấn và tiến hành cấy que ngừa thai. Một số địa chỉ đáng tin cậy dành cho bạn:
- Bệnh viện Phụ sản Trung Ương.
- Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
- Khoa phụ sản – Bệnh viện Bạch Mai.
- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
- Bệnh viện Trung Ương Huế
- Bệnh viện Từ Dũ.
- Bệnh viện Phụ sản Mê Kông
- Bệnh viện Đại học Y Dược.
- Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn.