Không ít bạn dựa vào cách tính ngày rụng trứng từ chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai an toàn hoặc canh ngày thụ thai để có được con trai. Vậy bản chất của chu kỳ kinh nguyệt là gì? Biểu hiện ra sao? Có dấu hiệu bất thường xảy ra không? Hay cách tính chu kỳ kinh nguyệt như thế nào cho đúng? Chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn thông qua bài viết này nhé!
Kinh nguyệt là gì?
Cơ thể nữ giới ở giai đoạn dậy thì sẽ còn khoảng 400.000 trứng. Ở người phát triển bình thường mỗi tháng sẽ có một trứng phát triển lớn nhất và rụng trứng, nếu trứng rụng mà không được thụ tinh sẽ bị đào thải ra ngoài cùng với sự bóc tách niêm mạc tử cung gây ra hiện tượng chảy máu được gọi là kinh nguyệt hay hành kinh.
Đặc điểm của kinh nguyệt
- Có màu nâu đỏ ( đậm hơn so với máu tĩnh mạch). Thường tạo thành dòng, tuy nhiên đôi khi có xuất hiện một vài máu cục (nếu xuất hiện nhiều nên đi kiểm tra ngay).
- Kinh nguyệt thực chất chứa một ít máu (khoảng 36% lượng kinh nguyệt) kèm theo là các thành phần khác như chất nhầy cổ tử cung, âm đạo và các mô nội mạc tử cung.
- Trung bình lượng máu kinh bị mất trong mỗi chu kỳ kinh là từ 50 – 80ml.
Dấu hiệu của kinh nguyệt.
Có thể xuất hiện một hay nhiều dấu hiệu báo và gặp phải trong những ngày kinh nguyệt, cụ thể:
- Mụn trứng cá có thể nổi lên khi gần tới ngày do sự thay đổi của nội tiết làm tăng tiết bã nhờn, gây mụn.
- Cảm giác đau ngực, căng vú, một số bạn có thể tại đầu ti có sữa được tiết ra đóng cục li ti.
- Gần đến ngày xuất hiện kinh nguyệt bạn sẽ thấy ra một chút dịch nhầy đóng cục dính màu trắng trong hay vàng nhạt.
- Sau khi trứng rụng thì kéo theo sự chảy máu, máu kinh – ra máu âm đạo này ra kéo dài từ 3 -5 ngày hoặc có thể ít hơn 3 ngày (khoảng 2 ngày) và có thể kéo dài đến 7 ngày.
- Có biểu hiện đầy hơi. Đau bụng dưới – tùy thể trạng từng người mà có thể đau âm ỉ hay đau thành quặn thành từng cơ khó chịu.
- Thân nhiệt của nữ giới những ngày này cũng thường tăng lên từ 0.3 – 0.5 độ C.
- Đau lưng, nhất là vùng thắt lưng – xương cùng cụt.
- Một số trường hợp ít gặp là đến ngày kinh nguyệt, máu kinh ra nhiều, đau bụng, tụt huyết áp có thể là ngất.
- Những ngày này cổ tử cung của nữ giới cũng mềm hơn, ẩm ướt và được nới rộng hơn. Đặc biệt trong thời gian này phụ nữ cảm thấy nhạy cảm và hứng thú với tình dục cũng được tăng lên.
Vậy một chu kỳ kinh nguyệt sẽ được tính như thế nào và cơ chế hình thành ra sao ta cùng tiếp tục khám phá tiếp nào.
Chu kỳ kinh nguyệt
Một chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên xuất hiện hành kinh đến ngày đầu của kỳ kinh tiếp theo. Chu kỳ kinh nguyệt lý tưởng thường là từ 28 – 30 ngày nhưng cũng có một số trường hợp do tác nhân nào đó mà chu kỳ kinh này có thể ngắn hoặc dài hơn độ lý tưởng.
Cơ chế của chu kỳ kinh nguyệt sinh lý
Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường ( kéo dài từ 28 – 30 ngày) sẽ được chia hai pha là pha nang noãn và pha hoàng thể.
-
Pha nang noãn
- Hành kinh: nội mạc tử cung sẽ bị bong tróc liên tục sau khi trứng rụng gây ra tình trạng chảy máu, ngày đầu tiên ra máu âm đạo được tính là ngày đầu của chu kỳ kinh. Ngày mà máu ngưng ra sẽ kết thúc việc có kinh nguyệt, lúc này nội mạc tử cung được cho là mỏng nhất.
- Phát triển nội mạc tử cung: sau khi sạch kinh, trục hạ đồi tuyến yến của cơ thể nữ giới sẽ hoạt động mạnh trở lại và phóng thích thành từng đợt GnRH (Gonadotropin releasing hormone), hormone này sẽ kích thích thùy trước tuyến yên trong não tiết ra hai hormon là FSH và LH ( là những nội tiết tố sinh dục quan trọng đối với cơ thể của nữ giới). Trong đó:
FSH còn làm phát triển các nang noãn, nang noãn giành được nhiều FSH nhất sẽ phát triển thành nang noãn trưởng thành. FSH có tác dụng chế tiết estrogen – hormone giúp nội mạc dày lên, các mạch máu tăng sinh và giúp tổng hợp các thụ thể với Progesterone. Khi nồng độ estrogen đạt một ngưỡng nhất định nào đó, nó sẽ kích thích tuyến yên phóng thích hormone LH với nồng độ cao nhất và dẫn đến sự phóng noãn. Đây là mốc kết thúc pha nang noãn chuyển sang giai đoạn hai – pha hoàng thể.
-
Pha hoàng thể
Sau khi phóng noãn, những phần khác của nang noãn trong buồng trứng co cụm lại và được nuôi dưỡng bở các mạch máu, lượng cholesterol tăng lên và hình thành một cấu trúc mới gọi là hoàng thể.
Hoàng thể có tác dụng chế tiết estrogen và progesterone được duy trì nhờ hormone LH hoặc beta-hCG.
Progesterone có tác dụng:
- Khiến nội mạc tử cung ổn định, các mạch máu trở nên xoắn, bám sâu và cung cấp máu nhiều hơn làm nội mạc trở nên lý tưởng cho sự thụ tinh.
- Ức chế ngược quá trình chế tiết LH ở tuyến yên và GnRH từ tuyến yên, làm giảm dần nồng độ của LH.
- Khi trứng rụng mà không được thụ tinh thì sẽ bị đẩy ra ngoài tử cung, lúc này LH giảm dần về nồng độ kéo theo sự giảm dần của hai hormone khác là estrogen và progesterone làm mất sự bền vũng của nội mạc làm cho niêm mạc tử cung bị bong tróc gây nên hiện tượng chảy máu – hành kinh và ngày đầu tiên của chu kinh mới sẽ lại bắt đầu.
Ở độ tuổi dậy thì thì các bé gái sẽ xuất hiện chu kỳ kinh đầu tiên (dao động ở độ tuổi từ 9 – 15 tuổi). Nếu trẻ gái xuất hiện kinh sớm hơn 9 tuổi hoặc kinh có muộn hơn sau 16 tuổi ta cần có những biện pháp thăm khám sớm. Kinh nguyệt sẽ trở nên đều đặn và theo chu kỳ hơn khi ta bước vào độ tuổi trưởng thành và đến độ tuổi khoảng 45 trở lên, ở phụ nữ có thể xảy ra tình trạng ngừng kinh, không còn khả năng thụ tinh.
Tuy nhiên do một hay nhiều tác nhân nào đó dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, một trong những dấu hiệu của bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh dục.
Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Là sự bất thường của kinh nguyệt liên quan đến chu kỳ kinh (chậm kinh, kinh sớm, vô kinh…) hoặc các triệu chứng gặp phải trong những ngày ra kinh như màu sắc thay đổi (ra nhiều máu cục đậm màu hay màu đen), số lượng máu âm đạo nhiều hơn hoặc đau bụng dữ dội…cụ thể:
- Kinh mau: là tình trạng chu kỳ kinh chỉ từ 21 ngày trở lại.
- Kinh thưa: là vòng kinh có thể kéo dài từ 35 ngày trở lên.
- Rong kinh: ra máu âm đạo với số lượng nhiều và kéo dài hơn 7 ngày.
- Rong huyết: tình trạng ra máu âm đạo nhiều, kéo dài từ 15 ngày trở lên.
- Vô kinh:
- Vô kinh nguyên phát: trên 16 tuổi mà không xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt có thể do dậy thì muộn, thể trạng yếu hay thiếu dinh dưỡng, cơ quan sinh dục có vấn đề…
- Vô kinh thứ phát: kinh nguyệt đang có tự nhiên ngưng ra máu âm đạo từ 3 tuần trở lên, có thể do có thai hay do các yếu tố khác.
- Bế kinh: đau bụng dưới kéo dài từ 3 -4 ngày trong mỗi một chu kỳ kinh nguyệt, sau đó trở lại bình thường. Nếu đau quặn bụng dưới, đau dữ dội trong khi bị hành kinh thì được gọi là thống kinh, nhiều trường hợp còn kèm theo đua lưng, huyết áp hạ, đau đầu…
- Mãn kinh: kinh nguyệt ngưng không ra nữa và không còn khả năng thụ tinh. Thường xuất hiện ở sau 45 tuổi.
Rối loạn kinh nguyệt khiến cho sức khỏe của cơ thể suy yếu, tính tình thất thường, giảm ham muốn, tăng nguy cơ viêm nhiễm âm đạo, tăng khả năng nguy cơ bị loãng xương, huyết áp cao…hoặc làm thay đổi nội tiết trong cơ thể khiến cho da nám, sạm, mọc mụn…Đặc biệt, rối loạn gây ảnh hưởng tới chức năng sinh sản và thụ thai của phụ nữ.
Các yếu tố ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt
-
Do tâm lý và lối sống
- Gặp nhiều các stress, căng thẳng…ảnh hưởng tới sự bài tiết hormone trong cơ thể.
- Nhịp sinh học của cơ thể bị thay đổi như hay thức khuya hoặc quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng các biện pháp bảo vệ khi có mong muốn tránh thai.
- Chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, sử dụng nhiều đồ ăn nhanh, đóng hộp có chất bảo quản, sử dụng rượu bia hay các chất kích thích trong thời gian dài…
- Thể trạng suy yếu, chậm phát triển.
-
Do các yếu tố khác
-
- Mang thai: Khi trứng được thụ tinh và tạo tổ trong buồng tử cung sẽ tạo thành nhau thai, nhau thai tiết ra hormone kích dục nhau thai HCG khiến progesteron vẫn được tiết ra, duy trì sự ổn định và không làm bong tróc niêm mạc tử cung dẫn tới việc không xuất hiện hành kinh.
- Bình thường thì bé gái dậy thì xuất hiện hành kinh thì 01 – 02 năm đầu tiên sẽ không đều, sau đó tình trạng rối loạn kinh nguyệt này còn xảy ra thì được cho là dấu hiệu bệnh lý.
- Phụ nữ sau sinh, đang cho con bú, phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh…
- Cơ quan sinh dục có bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, đa nang buồng trứng, cắt buồng trứng, cắt tử cung…
- Sử dụng các loại thuốc kháng sinh hay corticoid dài ngày…nhất là khi dùng các thuốc phá thai hay tránh thai.
Cách phòng tránh rối loạn kinh nguyệt
- Chế độ ăn uống: bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm giúp tăng nội tiết tố và điều hòa kinh nguyệt như đậu nành, cà rốt, rau cải xoăn, bông cải xanh, hoa quả giàu vitamin C như cam, chanh…
- Hạn chế hoặc ngưng sử dụng các chất kích thích như rượu, bia…các đồ ăn nhanh nhiều giàu mỡ…
- Thay đổi lối sống tích cực: tránh việc thức khuya, ngủ đủ giấc, luyện tập thể thao và tránh các áp lực lớn, tạo lối sống thoải mái cho bản thân.
- Điều trị triệt để các bệnh lý mắc phải liên quan đến cơ quan sinh dục và chức năng sinh sản của phụ nữ.
- Nên nghỉ ngơi và tránh vận động nhiều trong những ngày có kinh nguyệt.
- Vệ sinh vùng kín cần sạch sẽ, tránh rửa ngâm trong nước. Khi có kinh nguyệt nên nhớ thay năng vệ sinh và cốc nguyệt san ( trung bình 4h thay 1 lần). Tránh giao hợp với bạn tình trong thời gian này nhằm tránh gây đau và tăng nguy cơ viêm nhiễm cho bạn.
- Nên đi thăm khám sản – phụ khoa cũng như thể trạng cơ thể hàng năm, nhất là trong các trường hợp rối loạn kinh nguyệt hay xuất hiện các biểu hiện liên quan như thiếu máu nhược sắc, đau bụng dưới dữ dội…
Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt
Cách tính ngày rụng trứng để tránh thai và thụ thai?
- Bạn nên cần theo dõi lại các ngày trong chu kỳ kinh, ít nhất là 6 tháng (nhất là các bạn có kinh nguyệt không đều). Sau đó ta áp dụng công thức tính ngày rụng trứng để chủ động tránh thai. Giai đoạn không thụ thai thường rơi vào trước và sau ngày rụng trứng.
- Khoảng giữa chu kỳ từ 5 – 7 ngày là giai đoạn thụ thai cao nhất vì khi đó là thời gian rụng trứng. Nếu bạn không muốn mang thai mà qua hệ tình dục trong thời điểm này thì nên sử dụng các biện pháp tránh thai như bao cao su hay xuất tinh ngoài âm đạo.
- Phương pháp này thường không chuẩn cho các bạn có chu kỳ kinh không lý tưởng (ít hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày).
Sau khi sinh thì bao giờ có kinh nguyệt trở lại?
- Thời gian có hành kinh trở lại còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian cho con bú, sức khỏe và chế độ ăn uống, đảm bảo dinh dưỡng và nghỉ ngơi sau sinh, lượng hormone trong cơ thể phụ nữ.
- Một số trường hợp có thể có dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt sau sinh do việc thay đổi nội tiết nhưng nếu có thêm các biểu hiện bất thường khi ra máu âm đạo (như ra máu nhiều, dài ngày hoặc ra nhiều máu cục, máu có màu đen…) thì bạn nên đi thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa.
Trên đây là những thông tin liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới – một nửa dân số trên hành tinh này. Hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn hiểu rõ hơn về kinh nguyệt và các yếu tố liên quan nhằm có những giải pháp tốt nhất cho sức khỏe thân thể cũng như sức khỏe sinh sản.