Ngứa âm đạo là tình trạng khá phổ biến ở nữ giới, gây ra sự khó chịu, mất thoải mái, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt thường ngày của nữ giới. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến ngứa âm đạo? Cách xử trí ra sao? Hãy cùng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Đối tượng mắc phải
Đối tượng mắc phải ngứa âm đạo chính là nữ giới ở mọi lứa tuổi và có tỉ lệ thường gặp cao hơn ở những phụ nữ đã quan hệ tình dục.
Những bất lợi do ngứa âm đạo gây ra
Vùng kín là khu vực nhạy cảm của nữ giới nên dễ bị tấn công bởi các nguyên nhân gây bệnh, nhất là khi có yếu tố tạo thuận lợi cho các tác nhân phát triển và hoạt động. Ở một số chị em sẽ có biểu hiện ngứa nhẹ và hết sau vài ngày nhưng cũng có những trường hợp ngứa, rát gây đỏ vùng âm hộ, âm đạo và đôi khi còn kèm theo đau bụng dưới, khí hư có màu sắc hay mùi bất thường… Tình trạng này kéo dài và không được xử trí kịp thời sẽ làm:
- Khiến các chị em phụ nữ thấy khó chịu, bứt rứt, dễ cáu gắt, không tập trung vào công việc. Ngoài ra còn khiến nữ giới e ngại,thiếu tự tin trong chuyện ấy cùng bạn tình.
- Gây tổn thương tới “cô bé”.
- Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý phụ khoa.
- Ngoài ra, đối với phụ nữ có thai bị ngứa âm đạo thì các nguy cơ sinh non, sảy thai hay thai nhi chịu các ảnh hưởng từ mẹ bầu đều tăng cao.
Nên xem: Chu kỳ kinh nguyệt là gì? Những lưu ý cần biết
Nguyên nhân gây ngứa âm đạo
-
Do thói quen sinh hoạt
- Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ: có thể do nguồn nước sử dụng hoặc vật dụng dùng vệ sinh…
- Vệ sinh không đúng cách: thụt rửa quá sâu vào bên trong âm đạo, lau rửa mạnh, nhiều lần…
- Mặc quần lót quá chật, bó sát hoặc không thấm hút mồ hôi hay còn ẩm ướt.
- Sử dụng các loại dụng dịch vệ sinh có thành phần mẫn cảm với người sử dụng.
- Bị kích ứng da, dị ứng với loại thuốc, mỹ phẩm, nước xả vải quần áo hoặc chất trong bao cao su hoặc băng vệ sinh…mà các chị em đang dùng.
- Lối sống thiếu lành mạnh như thức đêm, sử dụng nhiều chất kích thích, chế độ dinh dưỡng mất cân bằng… khiến cho nồng độ hormone sinh dục nữ thay đổi và sức đề kháng của cơ thể suy giảm làm tăng nguy cơ gây viêm nhiễm phụ khoa làm ngứa âm đạo.
-
Do bệnh lý
1.Do mắc các bệnh ngoài da (như các bệnh hắc lào, lang ben…) hay có rận lông mu cũng gây nên tình trạng ngứa rát khó chịu.
2.Do mắc các bệnh phụ khoa:
- Phải kể đầu tiên đó chính là tình trạng ngứa do viêm âm đạo kèm theo là sự thay đổi của khí hư về tính chất, màu sắc (như vón cục, loãng sủi bọt, trắng đục, xanh…), đau rát nhát là khi quan hệ, tiểu buốt, tiểu dắt… tùy thuộc vào nuyên nhân gây bệnh.
- Do viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung: các dấu hiệu của hai bệnh lí này gần tương tự như viêm âm đạo là khí hư bất thường, đau rát, đau bụng dưới, ngoài ra còn có thể xuất hiện chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân…
3.Ngứa âm đạo do các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục:
- Sùi mào gà: do Human Papilloma virus (HPV) gây ra với các dấu hiệu điển hình chính là các nốt mẩn, u nhú mọc lên khiến người mắc phải cảm thấy khó chịu bởi mùi hôi, ngứa ngáy, chảy máu không yên bởi dịch bị xớt ra khi làm xây xát vùng da có sùi mào gà.
- Mụn rộp sinh dục: nguyên nhân là do virus Herpes simplex (HSV), mụn rộp sinh dục khiến cho bạn luôn có cảm giác ngứa râm ran, đau nhức quanh bộ phận sinh dục không riêng gì với nữ giới.
Ngoài ra, ngứa âm đạo ở trẻ nhỏ có thể do bị dính môi nhỏ, vùng kín bị mắc dị vật hoặc bị nhiễm giun kim. Ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh sự tụt giảm của hormone estrogen trong cơ thể gây mất cân bằng môi trường pH âm đạo tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus, nấm hay kí sinh trùng tấn công và phát triển mạnh mẽ gây nên tình trạng ngứa âm đạo.
Phương pháp điều trị và phòng ngừa ngứa âm đạo
1.Sử dụng thuốc điều trị:
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và bệnh lý mà người phụ nữ mắc phải mà basc sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị chính xác và hiệu quả:
- Nếu do các bệnh ngoài da thường sẽ được chỉ định thuốc uống kết hợp với thuốc bôi và dung dịch vệ sinh vùng kín phù hợp.
- Nếu do các bệnh phụ khoa thì có thể sử dụng thuốc uống như kháng sinh, kháng nấm, diệt kí sinh trùng… thuốc bôi ngoài da hay các dung dịch sát khuẩn, thuốc rửa cần thiết. Do viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể sử dụng phương pháp đốt điện.
- Với trường hợp do sùi mào gà hay mụn rộp sinh dục thì có các phương pháp can thiệp ngoại khoa như đốt laser ALA – PDT được cho là hiệu quả nhất hiện nay kết hợp với điều trị nội khoa (sử dụng thuốc).
2.Đối với trường hợp ngứa âm đạo do mẫn cảm với các chất tẩy rửa hay dung dịch vệ sinh:
- Ta cần ngưng sử dụng các sản phẩm có chứa thành phần đó. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các cách thức sử dụng các nguyên liệu giúp hạn chế ngứa âm đạo tại nhà là dung dịch vệ sinh như lá trầu không, lá chè xanh, muối hoặc phèn chua…
3.Đối với chị em phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh
- Có thể bổ sung thêm hormone giúp cân bằng lại nội tiết tố giúp hạn chế nguy cơ bị khô, ngứa âm đạo cũng như các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác.
Lưu ý nhỏ:
- Hạn chế gãi khi bị ngứa âm đạo, nên đi thăm khám bác sĩ kịp thời để có hướng điều trị nhanh và hiệu quả.
- Khi điều trị cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế, không tự ý sử dụng hay gia giảm liều lượng hoặc ngừng dùng thuốc giữa chừng.
Bên cạnh các hình thức trên thì ta cần chú ý những điều sau đây nhằm phòng ngừa và hỗ trợ trong điều trị ngứa âm đạo.
4.Các biện pháp dự phòng
- Vệ sinh thân thể cũng như vùng kín sạch sẽ và đúng cách, sau khi vệ sinh xong nên dùng khăn mềm hoặc giấy thấm khô vùng kín trước khi mặc quần áo. Vệ sinh vùng kín hay hậu môn theo một chiều từ trên xuống, không ngâm mình lâu trong nước, không thụt rửa quá sâu vào trong âm đạo.
- Sử dụng các sản phẩm, dung dịch vệ sinh phù hợp với bạn, tránh các loại chất tẩy rửa có tính sát khuẩn mạnh hoặc chứa thành phần gây dị ứng.
- Nên mặc đồ thoáng, thấm hút mồ hôi, không nên mặc đồ quá chật, bó sát. Quần áo mặc nên để phơi sấy khô, trong thời gian đang bị ngứa âm đạo hay viêm phụ khoa thì bạn nên giặt đồ lót riêng với nước nóng và phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.
- Trong thời kỳ có kinh nguyệt nên thay băng vệ sinh hoặc các sản phẩm có tính chất tương tự băng vệ sinh từ 4 – 6 giờ/lần.
- Lối sống: Tránh các yếu tố gây căng thẳng, stress trong cuộc sống, nghỉ ngơi theo giờ giấc sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích và luyện tập thể dục nhằm nâng cao sự dẻo dai, sức đề kháng cho cơ thể và ảnh hưởng tới nội tiết tố nữ.
- Chế độ dinh dưỡng: xây dựng khẩu phần ăn phù hợp, bổ sung nhiều loại vitamin và dưỡng chất qua rau củ quả, thịt đỏ, các loại cá béo, sữa chua… Đồ uống: uống nhiều nước có thể là nước lọc, nước ép (lượng cung cấp trung bình từ 1.5 – 2l nước/ngày).
- Nên đi khám phụ khoa và sức khỏe định kì 1 năm từ 1 – 2 lần hoặc khi có vấn đề bất thường về sức khỏe, nhất là các chị em phụ nữ nên đi thăm khám và điều trị trước khi có ý định mang thai.
- Tẩy giun định kỳ cho trẻ nhỏ 6 tháng/ lần để phòng trừ tái nhiễm giun kim gây viêm âm đạo dẫn tới tình trạng ngứa ngáy khó chịu ở bé.
Một số câu hỏi liên quan
1. Ngứa vùng kín nữ có nguy hiểm không?
· Nếu tình trạng ngứa diễn biến nhẹ ta chỉ cần chú ý trong vấn đề vệ sinh là tự nhiên sẽ khỏi sau vài ngày và trở lại bình thường.
· Tuy nhiên, ngứa âm đạo kèm theo một số dấu hiệu khác biểu thị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như do nấm, vi khuẩn, kí sinh trùng… mà không được xử trí kịp thời, chính xác thì sẽ có thể gia tăng sự khó chịu cho bản thân người mắc bệnh, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. viêm nhiễm sang các bộ phận khác trên cơ thể (như viêm đường tiết niệu, viêm tử cung, vòi trứng…) và có thể lây lan cho bạn tình của mình (như trong ngứa âm đạo do lậu hoặc nhiễm kí sinh trùng…).
2. Thai nhi có bị ảnh hưởng như thế nào khi mẹ bầu bị ngứa âm đạo?
· Không chỉ làm cho phụ nữ mang thai cảm thấy không thoải mái và mệt mỏi hơn, các bệnh viêm nhiễm phụ khoa nặng mà mẹ bầu mắc phải còn làm tăng khả năng đẻ non, thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật hay sức đề kháng kém dễ bị các tác nhân gây bệnh của mẹ tấn công gây viêm nhiễm các cơ quan khác của trẻ như viêm da, viêm mắt…
· Do đó nếu có các dấu hiệu bất thường không riêng gì ngứa âm đạo, các mẹ nên đến thăm khám tại các cơ sở uy tín để được các bác sĩ tư vấn và các hướng xử trí kịp thời và tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc điều trị.
-
Chi phí điều trị nếu bị ngứa âm đạo khoảng bao nhiêu?
- Điều này còn tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe của bạn, nguyên nhân gây bệnh, tình trạng ngứa âm đạo của bạn, mức độ tiến triển của bệnh hoặc có các dấu hiệu hay bệnh lí khác kèm theo…
- Bên cạnh đó, phương pháp điều trị và nơi bạn tiến hành trị liệu cũng là những yếu tố quyết định đến mức chi phi mà bạn cần chi trả.
-
Có thể điều trị ngứa âm đạo tại đâu?
- Bạn nên tìm kiếm và lựa chọn cho mình một cơ sở có chuyên môn về lĩnh vực sản phụ khao và chăm sóc sức khỏe sinh sản đáng tin cậy, uy tín và đảm bảo chất lượng chăm sóc cũng như thuận tiện nhất cho bạn trong việc đi thăm khám và có mức chi phí phù hợp.
- Dưới đây là một số địa chỉ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà các chị em có thể tham khảo:
- Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
- Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương.
- Bệnh viện Bạch Mai.
- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
- Bệnh viện Từ Dũ.
- Bệnh viện Nhân Dân.
- Bệnh viện Phụ Sản Mekong.
- Bệnh viện đa khoa quốc tế Vimec.
- Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc
- Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc…
Hãy tìm cho bạn một cách thức, một địa chỉ để điều trị bệnh hiệu quả để loại bỏ đi những khó chịu mà ngứa âm đạo mang lại cho cánh chị em phụ nữ chúng ta nhé! Nhưng trước đó các biện pháp phòng ngừa và hạn chế nguy cơ đang chờ bạn thực hiện đó. Chúc các bạn thành công!